Hải Sơn đường full

Tìm kiếm bài viết

Điều Trị Chứng Ra Mồ Hôi Ở Trẻ Em Theo Đông Y

1. Nguyên nhân đổ mồ hôi nhiều ở trẻ em theo Đông y

Đổ mồ hôi nhiều ở trẻ em là hiện tượng khá phổ biến, có thể xảy ra cả khi trẻ không vận động hoặc khi thời tiết không nóng. Tình trạng này khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng vì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Danh pháp y học cổ truyền gọi mồ hôi là “hãn”. Nguồn gốc của mồ hôi theo y học cổ truyền là do tác dụng của khí hóa chưng cất tân dịch thông qua dương khí theo huyền phủ (lỗ chân lông) bài xuất tiết dịch ra bên ngoài.

Trong YHCT, hiện tượng đổ mồ hôi ban ngày khi tỉnh thức được gọi là ” tự hãn”  và “đạo hãn”  là đổ mồ hôi  trộm vào ban đêm. Các nguyên nhân chính bao gồm:

  • Hư nhược cơ thể : Do khí huyết chưa đầy đủ, cơ thể yếu nên dễ ra mồ hôi.
  • Tỳ vị yếu: Khả năng hấp thụ dinh dưỡng kém, dẫn đến thiếu khí và mồ hôi ra nhiều.
  • Âm dương mất cân bằng: Chức năng điều hòa của cơ thể bị suy giảm, gây đổ mồ hôi bất thường.
bai thuoc cho tre ra qua nhieu mo hoi

Đổ mồ hôi trộm (Đạo hãn) ở trẻ em

2. Triệu chứng thường gặp

Tự hãn: Trẻ khi ngủ hoặc chơi đùa mồ hôi chảy đầm đìa, sờ thấy lạnh, da nhợt nhạt do dương hư. Thể bệnh của tự hãn có ba loại, tùy theo nguyên nhân bệnh:

  • Vệ khí hư: Trẻ mồ hôi ra mướt mát cả ngày, sờ tay chân lạnh, sắc mặt nhợt nhạt, sợ lạnh.
  • Khí huyết hư: Bệnh ốm lâu ngày không khỏi, người mệt mỏi, tự ra mồ hôi, dễ bị cảm, ngại nói, đoản hơi, sắc mặt trắng
  • Doanh vệ bất hoà: Bệnh nhân có biểu hiện phát sốt, đau đầu, ra mồ hôi, sợ gió, ngạt mũi, chảy nước mũi trong, đau mỏi khắp người

Đạo hãn: Trẻ đêm ngủ ra nhiều mồ hôi, sờ thấy nóng, tiểu vàng, đại tiện táo do âm hư nội nhiệt. Thể bệnh của đạo hãn có hai loại, tùy theo nguyên nhân bệnh:

  • Âm huyết bất túc: Ra mồ hôi trộm, hồi hộp, sắc mặt kém tươi, hoa mắt chóng mặt, hay quên, ngủ kém hay giật mình
  • Âm hư hỏa vượng: Ra mồ hôi trộm, sốt về chiều, ngũ tâm phiền nhiệt, miệng họng khô khát, thích uống nước mát

3. Biện Chứng Luận Trị

Biện chứng

Trong Y học cổ truyền, mồ hôi là dịch của huyết, do tạng Tâm làm chủ, có nguồn gốc từ tỳ vị và được vận hành bởi dương khí. Tân dịch không chỉ phản ánh trạng thái sức khỏe mà còn liên quan đến sự cân bằng âm dương trong cơ thể. Sự điều tiết mồ hôi chịu sự kiểm soát chính của phế, tâm, tỳ, và thận. Khi các tạng phủ này hoạt động không hài hòa, tình trạng đổ mồ hôi bất thường sẽ xuất hiện.

Hiện tượng đổ mồ hôi ở trẻ em có thể được phân loại thành hai nhóm chính: tự hãn và đạo hãn, mỗi nhóm có những nguyên nhân và biểu hiện bệnh lý riêng.

  • Tự hãn: Nguyên nhân có thể do vệ khí hư, khiến cơ thể không thể bảo vệ bì mao, dẫn đến mồ hôi ra nhiều, tay chân lạnh, sắc mặt nhợt nhạt. Ngoài ra, khí huyết hư cũng gây ra mồ hôi tự nhiên ở trẻ ốm lâu ngày, cơ thể suy nhược, dễ cảm lạnh. Trường hợp doanh vệ bất hòa (phong hàn tà xâm nhập) gây mồ hôi kèm sốt, đau đầu, sợ gió, ngạt mũi cũng rất phổ biến.

  • Đạo hãn là tình trạng mồ hôi ra nhiều vào ban đêm, thường do âm hư nội nhiệt. Khi âm huyết không đủ hoặc âm hư hỏa vượng, trẻ sẽ có các biểu hiện như ra mồ hôi trộm, hồi hộp, sốt về chiều, ngũ tâm phiền nhiệt, ngủ không sâu và thường giật mình.

Về cơ chế bệnh lý, Y học cổ truyền lý giải rằng sự mất cân bằng âm dương là nguyên nhân cốt lõi. Trường hợp dương hư, cơ thể không đủ năng lượng để giữ tân dịch, gây tự hãn. Ngược lại, âm hư dẫn đến hư hỏa bốc lên, gây đạo hãn.

Nguyên tắc điều trị

Điều trị đổ mồ hôi ở trẻ em trong Y học cổ truyền tập trung vào việc bổ chính khu tà, điều hòa doanh vệ, bổ khí huyết, cân bằng âm dương, điều hòa tạng phủ và cải thiện sức khỏe tổng thể. Đồng thời phải bù tân dịch do mồ hôi bị thoát ra ngoài.

4. Các Thể Lâm Sàng & Bài Thuốc Cổ Phương

Tự hãn

  •  Vệ khí hư: Mồ hôi ra mướt mát cả ngày, tay chân lạnh, sắc mặt nhợt nhạt, sợ lạnh. Nguyên nhân do dương khí suy giảm, vệ khí yếu không bảo vệ bì phu. Pháp trị: Bổ khí, cố biểu, điều hòa vệ khí.. Dùng phương thuốc Ngọc bình phong tán (Hoàng kỳ, Bạch truật, Phòng phong) gia giảm.
  • Khí huyết hư:  Mệt mỏi, tự ra mồ hôi, dễ cảm, sắc mặt trắng, đoản hơi, ngại nói. Nguyên nhân do cơ thể suy yếu bệnh lâu ngày, khí huyết không đủ để nuôi dưỡng cơ thể. Pháp trị: Bổ khí huyết, cố biểu liễm hãn. Dùng bài thuốc: Bổ trung ích khí thang (Nhân sâm, Hoàng kỳ, Bạch truật, Cam thảo) gia giảm.

  • Doanh vệ bất hòa: Phát sốt, đau đầu, ra mồ hôi, sợ gió, ngạt mũi, đau mỏi toàn thân. Nguyên nhân do phong hàn xâm nhập, doanh vệ bất hòa. Pháp trị: Hòa giải doanh vệ, sơ phong tán hàn. Dùng bài thuốc: Quế chi thang (Quế chi, Bạch thược, Cam thảo, Sinh khương, Đại táo).

ngọc Bình Phong tán

 Bài ngọc bình phong tán

Đạo hãn

  • Âm huyết bất túc: Mồ hôi trộm, hồi hộp, sắc mặt kém tươi, hoa mắt, ngủ không sâu, hay giật mình. Nguyên nhân âm huyết không đủ để nuôi dưỡng tâm thần và cân bằng nhiệt trong cơ thể. Pháp trị: Dưỡng huyết, liễm hãn. Dùng bài thuốc: Tứ vật thang (Đương quy, Bạch thược, Xuyên khung, Thục địa) gia giảm.
  • Âm hư hỏa vượng: Mồ hôi trộm, sốt chiều, phiền nhiệt, miệng khô khát, thích uống nước mát. Nguyên nhân âm dịch hao tổn, hư hỏa bốc lên. Pháp trị: Tư âm giáng hỏa, cố biểu liễm hãn. Dùng bài thuốc: Tri bá địa hoàng thang (Thục địa, Sơn thù, Hoài sơn, Tri mẫu, Hoàng bá) gia giảm.

Cong thuc tu vat thang

Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

5. Các Phương Pháp Điều Trị Kết Hợp Khác

Châm cứu: Các huyệt chính Phế du, Tâm du, Khí hải, Bách hội, Tam âm giao.

  • Sốt, đau đầu, sợ gió châm thêm: Phong Trì, Hợp cốc
  • Ăn kém, mệt mỏi, dễ cảm, sắc mặt nhợt,  lười nói châm thêm: Tỳ du, Khí hải, Tâm du
  • Mồ hôi mướt mát, tay chân lạnh châm thêm: Đại chuỳ, Bách hội, Túc tam lý

Cứu ngải: Hỗ trợ làm ấm dương khí, cố biểu, điều hòa vệ khí.

Xoa bóp bấm huyệt: Hỗ trợ thu giãn, tăng cường lưu thông khí huyết

Chăm sóc và phòng ngừa:

  • Đảm bảo trẻ sinh hoạt, ăn uống hợp lý, tránh ăn đồ cay nóng và môi trường lạnh đột ngột.
  • Khuyến khích vận động nhẹ nhàng để tăng cường vệ khí.
  • Ngoài ra vệ sinh cá nhân thường xuyên, mặc quần áo thoáng rộng, uống nhiều nước, ăn một số thực phẩm có lợi như: gạo nếp, bí đao, đậu đen…
x

Điều trị bằng phương pháp XBBH

Tùy thuộc vào thể bệnh, việc điều trị cần được chỉ định bởi bác sĩ YHCT có kinh nghiệm để đạt hiệu quả tối ưu. Không tự ý sử dụng thuốc hoặc áp dụng các phương pháp điều trị mà không qua thăm khám.

 
 
 
 
 
 

calendar-icon